Khám phá Vịnh Vĩnh Hy – Núi Chúa

Một buổi sáng thức dậy giữa rừng

Một buổi sáng thức dậy giữa rừng trong tiếng chim hót và âm thanh nhẹ nhàng của lá đùa cùng gió quả là những giây phút đáng tận hưởng nhất. Thật tuyệt vời, tôi đang ở một khu nghỉ dưỡng độc đáo nằm trên Núi Chúa nhìn ra Vịnh Vĩnh Hy (Tỉnh Ninh Thuận), được biết đến là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, ngôi nhà của hơn 1,500 loài thực vật, 160 loài chịm và 60 loài động vật có vú quý hiếm.

Một buổi sáng thức dậy giữa rừng
Một buổi sáng thức dậy giữa rừng

Chạm vào thiên nhiên thuần khiết

Tôi bắt đầu ngày mới bằng một cuộc dạo bộ, hít thở không khí trong lành trong ánh bình minh, trong mùi hương dễ chịu của hoa và cỏ cây, trong tiếng chim ríu rít chào ngày mới, trong giai điệu vỗ bờ của sóng biển. Tôi thưởng thức từng âm thanh của thiên nhiên, cái mà được tác giả người Nhật Masanobu Fukuoka (1913-2008) viết trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Cuộc cách mạng một cọng rơm” một cách thú vị rằng đó là “thứ âm nhạc đích thực và thuần khiết nhất”. Và tôi đang thực hành tinh thần sống của Fukuoka trong việc lắng nghe và học từ thiên nhiên với niềm hạnh phúc.

Vẻ đẹp của thiên nhiên thuần khiết

Vẻ đẹp của thiên nhiên thuần khiết
Tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên thuần khiết

Đó cũng là cách tôi nạp năng lượng trước khi bắt đầu chuyến leo lên đỉnh núi Goga Peak, một ngọn núi nhỏ nằm bên bờ vịnh Vĩnh Hy, là địa điểm tuyệt vời để thưởng ngoạn toàn cảnh Vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa lúc bình minh. Thời tiết hôm nay thật đẹp, bầu trời xanh ngát và những tia nắng đầu tiên chiếu qua những thảm xanh của núi rừng bao la. Anh Hiền, một chàng trai bản địa với làn da rám nắng, người hướng dẫn đi cùng tôi.

Nắng chiếu qua những thảm xanh của núi đồi
Nắng chiếu qua những thảm xanh của núi đồi

Vẻ đẹp kỳ vĩ của Vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa

Chúng tôi bắt đầu leo núi, vừa đi vừa trò chuyện về vùng đất này. Hiền kể anh sinh ra và lớn lên ở làng chài Vĩnh Hy, dưới chân Núi Chúa. Hiền chỉ cho tôi một loại cậy thân gỗ gọi là “Cây Găng” có tán cây xòe ra như chiếc dù rất đẹp, với rất nhiều quả màu xanh có hình như quả đào nhưng là loại quả không thể ăn được. Anh ấy bảo cây này liên quan đến tên gọi xa xưa của Vịnh Vĩnh Hy. Như câu chuyên của người già trong làng kể, trước đây vùng đấy này có tên gọi là Vũng Găng, để chỉ vùng đất của loài cây Găng phát triển tự nhiên quanh vịnh. Vào thời chiến tranh, nơi này thường diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nên người dân phải sơ tán vào Phan Rang. Cho đến khi đất nước thống nhất, người dân trở về làng và thay đổi tên gọi của làng thành “Làng Vĩnh Hy” với hy vọng được sống an cư lạc nghiệp nơi đây mãi mãi.

Vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa từ đỉnh Goga
Vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa nhìn từ đỉnh Goga

Chúng tôi theo dấu đường mòn nhỏ với hai bên là những cây bụi lâu năm với những chiếc rễ to uốn cong trồi lên mặt đấy, những bụi xương rồng khổng lồ cùng đủ sắc màu của những loài hoa dại. Rồi thì cẩn thận trèo qua những tảng đá lớn, những bui cây leo chằng chịt trước khi hướng đến đỉnh núi. Thật ngoạn mục để đứng đây chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên với biển trời và núi non trùng điệp trải rộng xa tầm mắt. Xa xa bên dưới là làng chài Vĩnh Hy yên bình trong nắng sớm, những vách đá dựng đứng bên bờ biển, những con thuyền bé nhỏ giữa biển mênh mông.

Cây Găng
Cây Găng

Như hầu hết dân làng ở đây, gia đình Hiền đã sống trong làng qua nhiều thế hệ với nghề đánh cá. Vịnh Vĩnh Hy nổi tiếng với nhiều hải sản ngon như tôm hùm, cá thu, bào ngư và mực. Từ đỉnh Goga, anh chỉ tôi thấy phía nam của Vịnh Vĩnh Hy là một công viên đá bên bờ biển với hàng ngàn khối đá được tự nhiên sắp đặt khéo léo như một tác phẩm nghệ thuật sống động. Một khu vực khác nằm giữa vịnh là ngôi nhà của các loài san hô được bảo tồn. Những du khách có thể đến làng chài mua tour ngắm san hô bằng tàu đáy kính hay đến các nhà nổi nuôi tôm hùm, cá bóp thưởng thức những bữa tiệc hải sản tươi ngon nhất đúng kiểu vừa được vớt lên từ biển.

Amanoi Resort tọa lạc giữa rừng
Amanoi Resort tọa lạc giữa rừng

Trong những năm gần đây, Núi Chúa và Vịnh Vĩnh Hy đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách thích khám phá thiên nhiên hoang dã, những bãi biển hoang sơ, hay trải nghiệm một kỳ nghỉ sang trọng tại một trong những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp bậc nhất Việt Nam, Amanoi Resort. Tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời để sống cùng thiên nhiên nơi đây. Lang thang trong rừng, quan sát, thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi đồi. cây cỏ, động vật, Có khi tôi ngồi yên thật lâu, zoom chiếc máy ảnh để có thể nhìn thấy những chú chim với bộ lông tuyệt đẹp hay xem một chú chuột sóc leo trèo trên những ngọn cây thật thú vị.

Thăm làng dân tộc Raglai

một ngôi nhà của người Raglai
một ngôi nhà của người Raglai

Chúng tôi băng qua một cây cầu treo để đến làng Cầu Gãy vào một buổi chiều sau cơn mưa. Đường vào làng đầy hoa lily dại màu trắng mọc hai bên. Trên đường làng vài phụ nữ đi bộ với chiếc gùi trên lưng và những đứa trẻ chơi đùa cười vui vẻ trên cánh đồng sau mùa gặt. Những đàn dê, bò và heo mọi của dân làng nuôi được thả rong lang thang khắp nơi trong làng.

Những đứa trẻ đang chơi trong làng
Những đứa trẻ đang chơi trong làng

Khung cảnh làng quê thật yên bình. Hầu hết ngôi nhà trong làng được xây mới bằng tường gạch, mái tôn nhưng đây đó vẫn còn sót lại một vài ngôi nhà truyền thống của người Raglai với tường nhà được xây từ đất và rơm rạ. Trong làng có trường mẫu giáo, trường tiểu học và một nhà trưng bày, nơi du khách có thể tìm hiểu những thông tin về văn hóa, lịch sử của người Raglai cũng như tìm thấy những hàng thủ công lưu niệm làm từ các loại hạt cây rừng được bày bán tại đây.

Raglai là người dân tộc bản địa ở Núi Chúa. Ngày nay, họ đang sống phần lớn tại làng Cầu Gãy và làng Đa Hang ở chân núi Chúa. Trước đây, người Raglai chủ yếu sống dựa vào rừng. Khi Núi Chúa được quy hoạch thành khu bảo tồn, chính quyền địa phương vận động người dân đến lập nghiệp ở những ngôi làng mới. Họ được hướng dẫn để xây dựng đời sống mới bằng nghề trồng lúa, đánh cá, nuôi ong lấy mật và làm đồ thủ công.

Bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên
Bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên

Có thể thấy đời sống hiện đại đã đến ngôi làng, phần nào mang đến những điều kiện tốt hơn cho người dân nơi đây nhưng quả thật cũng làm mất đi những truyền thống của họ. Như môt phần trong dự án phát triển cộng đồng nơi đây, Amanoi Resort đã hỗ trợ xây dựng nhà truyền thống của người Raglai, dạy tiếng Anh cho trẻ em và thanh niên cũng như xây dựng ý thức bảo vệ môi trường để ngôi làng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách trải nghiệm văn hóa bản đia.

Bài và ảnh: Thanh Vân