Phan Thiết – biển, nước mắm và di tích ngàn năm

Mui Ne Beach
14 Tháng Ba, 2022 0 bình luận

Trên chuyến xe buýt từ Sài Gòn đi Phan Thiết, tôi ngồi cạnh một vài du khách trẻ đến từ Úc. Họ dường như háo hức với chuyến đi thứ 2 này đến Mũi Né sau một vài năm. “Kỳ nghỉ này chúng tôi dành hết thời gian ở Mũi Né để chơi thỏa thích môn lướt ván yêu thích của tôi. Tôi hi vọng mỗi ngày ở Mũi Né đều có những cơn gió tuyệt vời”, anh ấy nói rồi cười một cách sảng khoái.

Bãi biển Mũi Né
Bãi biển Mũi Né

Thỏa thích cùng sóng và gió

Mũi Né nổi tiếng với những bãi biển đẹp, những đồi cát độc đáo, những resort sang trọng và còn là điểm đến yêu thích cho những du khách đam mê lướt ván diều, lướt ván buồm khắp nơi trên thế giới. Thời tiết quanh năm ở Mũi Né thật sự lý tưởng cho các môn thể thao dưới nước với những cơn gió “hoàn hảo” và những con sóng tuyệt vời.

Mũi Né là thánh địa cho các môn thể thao dưới nước
Mũi Né là thánh địa cho các môn thể thao dưới nước

Pascal Lefebre, một người Pháp đã sống và làm việc ở Mũi Né hơn 20 năm với công việc thú vị của anh cùng các môn thể thao dưới nước. Anh là một trong những người tiên phong mang môn lước ván diều, lướt sóng đến Mũi Né và mở ra câu lạc bộ đầu tiên, Jibe’s Beach, tại đây vào năm 2000. Để quảng bá cho Phan Thiết như một điểm đến cho các môn thể thao dưới nước, Câu lạc bộ của anh đã hợp tác cùng Sở Du Lịch Bình Thuận để tổ chức những cuộc thi thể thao dưới nước hàng năm, thu hút đông đảo các vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư trên thế giới tham gia.

Mũi Né là thánh địa cho các môn thể thao dưới nước
Mũi Né là thánh địa cho các môn thể thao dưới nước

Vào những ngày đầy nắng và gió, biển Mũi Né rợp sắc màu của những chiếc diều lớn trên bầu trời. Cho những ai muốn trải nghiệm với những môn thể thao có phần thử thách này, không khó để tìm thấy tại đây có các câu lạc bộ với những khóa huấn luyện ngắn trong vài giờ để bạn có thể bắt đầu với môn lướt ván diều. Bạn được học về cách điều khiển diều, xem hướng gió, cách để bay lên và tiếp đất an toàn cùng nhiều kỹ năng khác. Và rồi, đã đến lúc bạn khám phá chính mình với nắng, gió, bầu trời và biển mênh mông một cách đầy thú vị.

Tham gia khóa học lướt ván diều
Tham gia khóa học lướt ván diều

Chạm vào vẻ đẹp cổ xưa

Tháp Chàm Poshunu là một điểm tham quan mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Phan Thiết. Tôi đến nơi đây vào một buổi sáng sớm khi chưa có nhiều du khách viếng thăm. Trong không khí mát mẻ và yên bình của sớm mai, tôi thong thả đi bộ một đoạn đường vài trên mét lên đến đỉnh đồi Bà Nài, nơi những tháp Chăm đã đứng đấy qua ngàn năm, trải qua bao thăm trầm lịch sử của vùng đất này. Người Chăm của vương triều Champa cổ xưa đã xây dựng Tháp Poshanu vào khoảng thế kỷ thứ 8 để thờ phụng thần Shiva và công chúa Poshanu, con gái của Vua Champa Parachanh, người đã dạy cho người Chăm cách trồng lúa, trồng bông, dệt vải và xây dựng công trình thủy lợi.

Tháp Poshanu
Tháp Poshanu

Tháp Poshanu được xây dựng theo kiến trúc Hòa Lai, một trong những phong cách nghê thuật cổ của Champa, và đây là một trong những đền tháp Chăm cổ xưa nhất tại Việt Nam vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. So với các tháp Chăm khác, Poshanu có kích thước nhỏ hơn, mang vẻ đẹp kỳ bí, uy nghiêm với sự chắt lọc những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa.

Poshanu là một trong những đền tháp Chăm cổ xưa nhất tại Việt Nam vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn
Poshanu là một trong những đền tháp Chăm cổ xưa nhất tại Việt Nam vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn

Tôi có dịp gặp người bảo vệ những tháp cổ, thấy tôi đi một mình, anh tình nguyện làm người hướng dẫn. Anh kể với tôi về lịch sử của ngôi tháp và hiện trạng của nó trước khi được trùng tu lần đầu tiên vào năm 1994, thời điểm  anh bắt đầu làm bảo vệ ở đây. Anh thật sự là một người bảo vệ tận tâm với hơn 20 năm làm việc gắn bó với nơi này. Anh có thể chỉ tôi xem từng viên gạch trên tháp, viên nào là nguyên thủy, viên nào vừa được thêm vào trong quá trình trùng tu.

Lễ hội Katê
Lễ hội Katê

Nếu bạn đến vào dịp lễ hội Katê (cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm), khu vực Tháp Poshanu thật nhộn nhịp với nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực của cộng đồng người Chăm từ các huyện trong tỉnh Bình Thuận tụ hội về đây. Du khách có thể thưởng thức các món ăn truyền thống Chăm, xem trình diễn múa dân gian Chăm và âm nhạc truyền thống cũng như xem các nghệ nhân làm gốm và dệt thổ cẩm …

Múa Chăm truyền thống
Múa Chăm truyền thống

Xứ sở của nước mắm

Phan Thiết được biết đến là một trong những nơi sản xuất nước mắm nổi tiếng ở Việt Nam. Đi qua vùng đất này trong không khí đã thoáng mùi mặn nồng đặc trưng của biển. Phan Thiết có những làng ven biển với nghề sản xuất nước mắm truyền thống qua hàng trăm năm.

Những vại sành ủ mắm
Những vại sành ủ mắm

Tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ trên đường Huỳnh Thúc Kháng ở Mũi Né, nằm dưới chân của một đồi cát. Nơi đây có gia đình bà Mười Tiếp đã làm nước mắm qua nhiều thế hệ. Người phụ nữ gần 80 tuổi này  đã có gần 50 năm tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.

Bà Mười Tiếp bên vườn nước mắm của gia đình
Bà Mười Tiếp bên vườn nước mắm của gia đình

Bà dẫn tôi đi xem vườn nước mắm phía sau nhà với hàng trăm những vại sành lớn ủ cá và muối được sắp xếp ngay hàng. Người Phan Thiết làm nước mắm chủ yếu từ cá cơm. Bên cạnh các loại hải sản, nước mắm Phan Thiết chính là món quà mà du khách thường mang về nhà sau những chuyến đi. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười hồn hậu của bà Mười Tiếp khi tạm biệt tôi với câu nói chân tình “Khi nào những gia đình người Việt còn ăn nước mắm, thì người Phan Thiết vẫn còn làm nước mắm.”

Bài: Thanh Vân

Ảnh: Thanh Vân & sưu tầm