Thức dậy sau chuyến xe đêm từ Sài Gòn, Đà Lạt hiện ra trước mắt tôi trong nắng sớm xuyên qua những làn sương mờ, lấp lánh trong những rừng thông, trải dài trên những ngọn đồi xanh ngát, chạy xuống những thung lũng tạo nên một bức tranh đẹp đến ngỡ ngàng.
Như một phần trải nghiệm trong chuyến đi khám phá những di sản trăm năm của Đà Lạt, nhóm chúng tôi được đón bằng những chiếc xe hơi cổ. Xe chạy chầm chậm qua những con đường yên tĩnh của Đà Lạt vào sáng sớm trong không khí se lạnh thật dễ chịu. Tôi thấy một Đà Lạt hiện đại với nhiều tòa nhà mới xen giữa những công trình Pháp cổ kính với màu vàng đặc trưng mang cảm giác hoài niệm xưa cũ. Và tôi tự hỏi Đà Lạt trong như thế nào cách đây 100 năm nhỉ?
Quay về thời gian của năm 1893 khi bác sĩ Yersin tìm thấy vùng đất Đà Lạt hoang sơ giữa cao nguyên Langbiang đại ngàn. Rồi thì ông đã rơi vào tình yêu với vùng đất nên thơ này. Ông đã thuyết phục Quan toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc bấy giờ là ông Paul Doumer để xây dựng một khu nghỉ dưỡng dành cho người Pháo ở Đông Dương. Và yêu cầu của ông đã được chấp thuận. Vào năm 1899, quan toàn quyền đã quyết định thiết lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai khu vực nghỉ dưỡng ở cao nguyên Langbiang tại Đà Lạt, là khu vực trung tâm của vùng đất này.
Vào thời đấy, Đà Lạt được quy hoạch và thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp gồm Heabra, Moncet và Lagiquet. Và có thể nói kiến trúc thuộc địa Pháp phát triển rực rỡ nhất ở Đà Lạt là từ năm 1930 đến 1945 khi nhiều người Pháp đến làm việc và sinh sống cùng với gia đình. Họ đến từ nhiều vùng khác nhau của nước Pháp và họ xây những những biệt thự tại đây theo phong cách kiến trúc của quê nhà.
Được mệnh danh là “Paris thu nhỏ của Việt Nam”, di sản kiến trúc Pháp ở Đà Lạt ngày bao gồm khoảng 1,500 căn biệt thự, dinh thự và công trình là các tòa nhà hành chính với đa dạng phong cách kiến trúc của cả miền bắc, miền trung và miền nam nước Pháp. Hầu hết các biệt thự được thiết kế hai tầng với phong cách và ý tưởng riêng của từ gia chủ nên rất độc đáo và không trùng lặp. Đặc biệt, các kiểu mái nhà, ống khói và lò sưởi rất đặc trưng với kiểu dáng mang dấu ấn của những miền quê Pháp. Nét duyên dáng và thanh lịch của các biệt thự cổ Đà Lạt còn được phản ánh qua cách trang trí nội thất sang trọng và tinh tế chủ nhà, thường là những quan chức và tầng lớp trung lưu.
Có những kiến trúc di sản đã được xếp hạng bởi Liên đoàn kiến trúc quốc tế trong danh sách 1.000 công trình kiến trúc độc đáo trên thế giới trong thế kỷ 20 như Trường Cao Đẳng Đà Lạt, Ga xe lửa Đà Lạt, Khách sạn Palace, cụm những biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo và đường Lê Lai.
Ga xe lửa Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc tôi thích nhất ở Đà Lạt, nơi được thiết kế vào năm 1932 bởi hai kiến trúc sư Pháp là Moncet và Reveron, được xây dựng trong nhiều năm và mở cửa vận hành vào năm 1938. Ngày nay, nhà ga vẫn được bảo tồn kiến trúc nguyên thủy của nó và được xem là một công trình biểu tượng của Đà Lạt với sự kết hợp hài hòa phong cách Art Deco cùng những nét kiến trúc bản địa của ngôi nhà sàn Cao Nguyên. Ba mái của nhà ga tượng trưng cho ba đỉnh của dãy núi Lang Biang ở Đà Lạt nhưng cũng mang nét gợi nhớ của nhà ga Trouville-Deauville ở Normandy (Pháp). Một toa tàu lửa chạy bằng hơi nước vẫn được trưng bày tại sân ga và du khách có thể trải nghiệm tuor du lịch bằng xe lửa từ Đà Lạt đến Trại Mát với chiều dài hành trình 7km.
Hành trình khám phá di sản kiến trúc Đà Lạt còn cho chúng tôi cơ hội trải nghiệm đầy thú vị các villa cổ tại đường Lê Lai (được biết đến hiện nay là Ana Mandara Dalat Villas Resort & Spa). Nơi đây tọa lạc giữa đồi thông và những vườn hoa, cây trái tuyệt đẹp. Nguyên thủy của khu biệt thự này là dinh thự của ông Jean Oneil, từng là một vị tướng trong quân đội Pháp ở Đông Dương. Lịch sử của nơi này dường như trở nên sống động với câu chuyện của mỗi căn biệt thự cổ được xây dựng cách đây gần trăm năm.
Sau khi về hưu năm 1920, ông Jean Oneil quyết định chọn khu vực Cam Ly ở phía bắc Đà Lạt để xây dựng đồn điền và một con đập để cung cấp nước. Ông mời kiến trúc sư Pháp để thiết kế toàn bộ khu nhà ở. Trong gần 10 năm, 15 căn biệt thự đã được tiến hành xây dựng dần và hoàn thành trong khoảng thời gian từ 1929 đến 1938, thuộc sở hữu của gia đình, người thân cũng như bạn bè của ông, là những người Pháp sống và làm việc ở Sài Gòn và Đông Dương vào thời đó.
Hầu hết các biệt thự được xây dựng theo kiến trúc của miền đông nam nước Pháp là quê hương của ông Oneil. Ngoài ra, thiết kế của các biệt thự còn có những thay đổi để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương cũng như thêm những sáng tạo riêng của chủ nhân.
Viếng thăm nơi đây, tôi thấy như thể mình đang lạc vào một ngôi làng Pháp cổ với những hiện vật sống động phản ánh một thời vàng son trong quá khứ. Dưới những bóng cây thông cổ thụ, những biệt thự vẫn giữ nguyên vẻ đẹp xưa với màu vàng cổ điển, những bức tường rêu, chiếc xe hơi cổ đậu trong gara trước nhà, những khung cửa vòm duyên dáng, ống khói và những mái ngói rêu phong đậm màu thời gian. Trong phòng khách vẫn còn giữ chiếc lò sưởi cũ sử dụng củi đốt và những đồ đạc cổ xưa được trưng bày như điện thoại bàn, đồng hồ, quạt trần và máy hát đĩa.
Tôi thật sự ấn tượng với căn biệt thự số 26, nơi vẫn còn nguyên chữ “Pax” (trong tiếng Latin có nghĩa là “yên bình”) được khắc trên cửa chính của ngôi nhà. Chuyện kể rằng chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là một nhà sản xuất phô mai vì vẫn còn dấu tích của một cửa hàng phomai đối diện lối cổng vào. Qua những đổi thay hàng thế kỉ, nơi cửa hàng này giờ có chút bí ẩn với những bức tường đá xanh rêu và những bụi giây leo đầy hoa phủ kín.
Photo 7 –
Trong buổi hoàng hôn, chúng tôi dạo trên những con đường mòn lên xuống các con dốc trong rừng thông, thưởng thức không khí trong lành, mùi hương hoa cỏ thoang thoảng thật thư thái dễ chịu mang cho tôi cảm giác thật bình yên. Chúng tôi còn trải nghiệm một bữa tiệc đúng chất Pháp với những món ăn và rượu vang nồng ấm trong phòng khách lớn của ngôi biệt thự nằm trên ngọn đồi, nơi lý tưởng để ngắm Đà Lạt đẹp tuyệt khi ánh nắng cuối ngày dần tắt và màn đêm dần rơi xuống.
Quả thật Đà Lạt đã thay đổi rất nhiều so với buổi nguyên sơ bắt đầu cách đây hàng trăm năm nhưng những di sản kiến trúc vẫn trường tồn đến ngày nay để kể những câu chuyện về Đà Lạt theo cách tự tình riêng và luôn tạo nên sức hấp dẫn của vùng đất này.
Bài: Thanh Vân
Ảnh: Thanh Vân + sưu tầm